Thế giới

Bất chấp căng thẳng, cả Nga và NATO đều tập trận hạt nhân

tập trận hạt nhân

Các quan chức Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết cả Nga và NATO sẽ tiến hành các cuộc tập trận hạt nhân quy mô lớn trong những tuần tới, bất chấp tình hình căng thẳng hiện nay ở châu Âu.

Theo Bloomberg, phát biểu họp báo trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO, Tổng thư ký Stoltenberg cho biết cuộc tập trận này có tên Steadfast Noon, diễn ra định kỳ hàng năm và thường kéo dài khoảng một tuần. Tham gia diễn tập gồm máy bay chiến đấu có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, nhưng không mang theo bom thật, cùng nhiều nhiều loại máy bay khác.

Dự kiến có 14 trong số 30 quốc gia thành viên NATO tham gia tập trận. Theo một quan chức NATO, phần lớn cuộc diễn tập sẽ diễn ra cách Nga hơn 1.000 km.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trì hoãn hoặc hủy bỏ cuộc tập trận sẽ gửi thông điệp sai lầm về quyết tâm của NATO trước Nga. Ông Stoltenberg nói: “Cách tốt nhất để ngăn chặn leo thang là thực hiện hành vi chắc chắn, đã có kế hoạch của NATO và thể hiện sức mạnh quân sự của chúng ta”.

Mỹ đã hai lần ngừng thử nghiệm tên lửa Minuteman III theo kế hoạch trong năm nay. Lần đầu tiên để tránh làm tăng căng thẳng với Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine và lần thứ hai để tránh tính toán sai lầm từ phía Trung Quốc. Cuối cùng, Mỹ cũng đã phóng thử Minuteman III vào ngày 16/8.

Các quan chức Mỹ dự đoán rằng Nga sẽ sớm tiến hành các cuộc tập trận hạt nhân quy mô lớn. Khi diễn ra, cuộc tập trận của Nga sẽ là cuộc tập trận thứ hai kể từ tháng 2/2022. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã giám sát cuộc tập trận hồi tháng 2 nhằm thử nghiệm các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo trên biển, trên bộ và trên không cũng như các vũ khí khác.

Ngày 13/10, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết: “Chúng tôi dự báo Nga sẽ tiến hành cuộc tập trận hạt nhân chiến lược hàng năm mang tên GROM, sớm nhất là trong tháng này”.

Các quan chức phương Tây lưu ý rằng cuộc tập trận của Nga đã được lên kế hoạch và dường như không liên quan đến tuyên bố của Tổng thống Vladimir Putin.

Trong bài phát biểu trên toàn quốc ngày 21/9, Tổng thống Putin cảnh báo: “Nga sẽ sử dụng tất cả các công cụ theo ý mình để chống mối đe dọa nhằm vào toàn vẹn lãnh thổ. Đây không phải là lời lừa gạt”.

Tổng thư ký NATO Stoltenberg nói về cuộc tập trận sắp tới của Nga: “Tất nhiên, chúng tôi sẽ vẫn cảnh giác, đặc biệt là trước các mối đe dọa hạt nhân”.

Một số chuyên gia chính sách hạt nhân bày tỏ lo ngại rằng các cuộc tập trận hạt nhân của Nga và NATO có thể làm gia tăng lo ngại khi mỗi bên tìm cách xác định những phương án có thể được thử nghiệm.

Ông Hans Kristensen thuộc Liên đoàn Nhà khoa học Mỹ cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Các sự kiện là bình thường. Nhưng tất nhiên chúng ta không biết họ sẽ tập trận cái gì, liệu điều đó có bình thường hay không”.

Theo ông Kristensen, phía Nga cũng có thể coi cuộc tập trận của NATO là một diễn biến đáng ngại. Ông nói: “Đó chắc chắn là một mối nguy hiểm”.

Các quan chức phương Tây nhấn mạnh rằng cuộc tập trận của NATO sẽ diễn ra cách xa Nga và không liên quan đến kịch bản Ukraine. Ông Kirby nói: “Cuộc tập trận này không liên quan đến sự kiện nào trong thế giới thực hoặc những gì Nga đang làm”.

Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố Nga không đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân đối với bất kỳ quốc gia nào. Ông Ryabkov cũng để ngỏ khả năng Nga thực hiện các biện pháp đáp trả phù hợp trước sự can dự ngày càng tăng của Mỹ và các nước châu Âu vào cuộc xung đột Ukraine.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng những bình luận về khả năng Nga tấn công hạt nhân ở Ukraine chỉ là tưởng tượng.

Trong cuộc phỏng vấn hôm 13/10, Phó Thư ký Hội đồng An ninh Nga Alexander Venediktov cho biết các quan chức Nga chưa từng công khai đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc loại vũ khí hủy diệt hàng loạt nào khác.

Theo học thuyết hạt nhân của Nga, nước này sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu kẻ thù sử dụng loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này hoặc các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác để đối phó với Nga và các đồng minh. Thứ hai, nếu Nga có bằng chứng đáng tin cậy về một vụ phóng tên lửa đạn đạo tấn công lãnh thổ của mình hoặc của các đồng minh. Thứ ba, nếu chính phủ hoặc các căn cứ quân sự quan trọng của Nga bị đối phương tấn công nhằm mục đích làm suy yếu khả năng đáp trả của lực lượng hạt nhân Nga. Cuối cùng, Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân nếu đất nước phải đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu trong trường hợp bị tấn công bằng các loại vũ khí thông thường.

Theo Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm

Tin Khác