Thế giới

Fed sẽ ứng xử thế nào với bảng cân đối tài sản?

Với sự giảm tốc của lạm phát trong khi nền kinh tế đang có dấu hiệu rơi vào suy thoái, Fed đang phải đối mặt với một bài toán hóc búa là liệu có nên tăng gấp đôi tốc độ thu hẹp bảng cân đối tài sản khổng lồ vào tháng tới theo đúng kế hoạch hay không.

Bài toán khó

Còn nhớ để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với đại dịch Covid-19, Fed đã tái khởi động lại chương trình mua tài sản (hay còn gọi là nới lỏng định lượng – QE) với quy mô lớn hơn nhiều so với giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu, đưa bảng cân đối tài sản lên quy mô khổng lồ 9,8 nghìn tỷ USD.

Lạm phát bùng nổ tại Mỹ đã buộc Fed không chỉ tăng nhanh lãi suất mà còn phải thu hẹp bảng cân đối tài sản (hay còn gọi là thắt chặt định lượng – QT) nhằm thắt chặt điều kiện tài chính. Theo đó Fed bắt đầu khởi động chương trình QT từ tháng 6 với việc giải phóng 30 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ và 17,5 tỷ USD chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp (MBS) mỗi tháng và dự kiến sẽ tăng gấp đôi tốc độ thu hẹp bảng cân đối tài sản vào tháng tới, có nghĩa sẽ nâng tốc độ giải phóng trái phiếu Kho bạc và chứng khoán thế chấp lên tương ứng là 60 tỷ USD và 30 tỷ USD.

Fed cân đối tài sản
Chủ tịch Fed cho biết, QT sẽ tiếp tục trong vòng 2 – 2,5 năm nữa

Tuy nhiên theo các nhà phân tích, việc thắt chặt kép khiến Fed khó đạt được mục tiêu “hạ cánh mềm”, đó là nền kinh tế tăng trưởng chậm lại nhưng tránh được suy thoái. Trên thực tế kinh tế Mỹ đã bị thu hẹp liên tục trong hai quý đầu năm, làm gia tăng nỗi lo nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ sớm rơi vào suy thoái.

Trong khi lạm phát tại Mỹ đã có dấu hiệu đạt đỉnh khi mà chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 đã giảm tốc xuống còn 8,5% từ mức cao kỷ lục 9,1% trong tháng 6. Điều đó đã làm vơi bớt áp lực buộc Fed phải thực hiện một đợt tăng lãi suất mạnh nữa tại cuộc họp chính sách diễn ra ngày 20-21/9 tới. Hiện thị trường đang định giá 63,5% cơ hội Fed sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 9.

Lạm phát giảm tốc trong khi nền kinh tế đang có dấu hiệu rơi vào suy thoái cũng có thể khiến Fed chậm lại tốc độ QT. “Có một số vĩ độ khiến Fed hoặc cuối cùng đi vào quỹ đạo chậm lại trong việc thắt chặt định lượng hoặc thậm chí kết thúc sớm hơn dự kiến. Nhưng thật khó để biết (về cách) Fed cân bằng mọi thứ”, Yung-Yu Ma – Chiến lược gia đầu tư chính tại BMO Wealth Management ở Dallas cho biết.

Nhiều ý kiến trái chiều

Kathy Jones – Chiến lược gia trưởng về thu nhập cố định tại Trung tâm Nghiên cứu tài chính Schwab ở New York cũng cho rằng, nhiều khả năng Fed sẽ sớm giảm tốc độ QT. Tuy nhiên theo chuyên gia này, kịch bản cơ sở là Fed sẽ điều hành QT như hiện tại, nhưng sử dụng điều đó như một đòn bẩy có thể được điều chỉnh cùng với việc tăng lãi suất.

“Nếu tốc độ tăng lãi suất diễn ra nhanh và mạnh, thì họ phải dừng QT”, Jones nói và cho biết thêm: “Nếu tốc độ tăng chậm lại và chững lại, họ có thể tiếp tục QT trong một khoảng thời gian dài hơn và thắt chặt chính sách thông qua cửa sau thay vì cửa trước”.

Trong khi đó, Jamie Dannhauser – nhà kinh tế tại Công ty quản lý tài sản Ruffer LLP có trụ sở tại London cho biết, lạm phát vẫn còn vượt rất xa so với mục tiêu, có nghĩa vẫn còn một chặng đường rất dài để quay trở lại mức lạm phát có thể chấp nhận được. Bởi vậy ông tin rằng, sự chậm lại của lạm phát hiện tại sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch QT của Fed.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng đã từng tuyên bố, QT sẽ tiếp tục trong vòng 2 – 2,5 năm nữa.

Hiện bảng cân đối kế toán của Fed vẫn ở mức gần 9 nghìn tỷ USD, có nghĩa nó không giảm bao nhiêu kể từ khi Fed bắt đầu QT vào tháng 6. Nhưng dự trữ của các ngân hàng tại Fed đã giảm xuống còn 3,3 nghìn tỷ USD, giảm khoảng 1 nghìn tỷ USD từ mức cao 4,3 nghìn tỷ USD vào tháng 12/2021. Trong chu kỳ thắt chặt trước đó của Fed, chỉ có 1,3 nghìn tỷ USD thanh khoản đã được rút ra trong 5 năm.

Việc dự trữ của các ngân hàng thu hẹp nhanh hơn so với dự đoán làm người lo ngại. Jay Hatfield – Giám đốc đầu tư tại cơ sở quản lý vốn cơ sở hạ tầng ở New York cho rằng, Fed nên giảm tốc độ của QT, nếu không đó sẽ là thẳm họa đối với thị trường trái phiếu và cổ phiếu.

Hiện Fed chưa công bố quy mô mục tiêu cho bảng cân đối kế toán của mình. Song Gennadiy Goldberg – chiến lược gia lãi suất cấp cao tại TD Securities cho rằng, mục tiêu cuối cùng của Fed sẽ là giảm bảng cân đối kế toán đến mức dự trữ ngân hàng đạt khoảng 9% GDP, là mức trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng thanh khoản vào tháng 9/2019.

Nguồn: FireAnt.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin Khác