Thế giới

Viễn cảnh suy thoái kinh tế thế giới

Kinh tế toàn cầu sáu tháng đầu năm 2022 không thuận lợi như kỳ vọng tiếp tục phải đối mặt với nhiều rủi ro mới.

suy thoái kinh tế thế giới
Sự kết hợp độc hại của lạm phát và suy thoái là công thức hoàn thiện để tạo ra bùng nổ mang tính cách mạng cho nền kinh tế thế giới. (Nguồn: Socialist Appeal)

Nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ giảm tốc mạnh vào năm 2022, trong khi nguy cơ lạm phát đình trệ-thời kỳ kinh tế trì trệ và lạm phát cao-ngày càng lớn, với bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao và biến động mạnh, căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu và tăng trưởng chậm hơn ở nền kinh tế Trung Quốc.

Những “nút thắt”

Triển vọng kinh tế thế giới năm 2022-2023 liên tục bị điều chỉnh giảm so với con số dự báo đầu năm. Theo các kịch bản có tính đến các rủi ro chính đang hiện hữu, thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 chỉ nằm trong khoảng 2,9%- 3,1%.

Dự báo của các định chế tài chính lớn, cập nhật về tăng trưởng GDP toàn cầu đều bị đánh tụt, OECD giảm từ 4,5% xuống 3%; IMF giảm tới 0,8 điểm phần trăm xuống còn 3,6%; hay bi quan như dự báo của WB-chỉ khoảng 2,9% (giảm từ 4,1%). Dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế từ phát triển, mới nổi, đến đang phát triển… đều thiếu tích cực hơn.

Bất ổn địa chính trị đã cản trở đà phục hồi của kinh tế sau đại dịch, đẩy giá hàng hóa, đặc biệt là lương thực, năng lượng lên cao, làm trầm trọng hơn áp lực lạm phát trên thế giới, tạo ra những biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ… Các vấn đề này hiện vẫn chưa có hướng giải quyết hữu hiệu và tiếp tục là những thách thức lớn, bên cạnh ảnh hưởng còn tồn tại sau đại dịch Covid-19, trong bối cảnh mối đe dọa về sự xuất hiện các biến chủng mới vẫn lơ lửng trong thời gian còn lại của năm.

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Stephen Bartholomeusz trên tờ Sydney Morning Herald, nguy cơ suy thoái là không thể tránh khỏi, các hoạt động kinh tế đang bị chậm lại và tỷ lệ lạm phát đang đến đỉnh điểm.

Theo phân tích được đưa ra, các chỉ số giá cả hàng hóa cho thấy mặt bằng giá, chịu tác động từ xung đột Nga-Ukraine, đã tăng vọt trong năm tháng đầu năm 2022. Trong đó, vấn đề đáng chú ý là rổ hàng hóa kim loại, năng lượng và nông nghiệp đã tăng gần 60%, từ tháng 1-5/2022. Giá một số kim loại quan trọng, như đồng đã có lúc nhảy vọt lên 9.700 USD/tấn-đây là một trong những mặt hàng kim loại nhạy cảm nhất với hoạt động kinh tế nói chung và là chỉ số dẫn dắt về các điều kiện kinh tế.

Đến nay, khi giá dầu ăn, lúa mì, đậu nành, sợi bông, quặng sắt, vàng, nhôm hay thậm chí cà phê bắt đầu có xu hướng giảm, thì giá của các mặt hàng năng lượng, bao gồm dầu, khí đốt và than, đã tăng nhiều hơn so với ước tính về những thiệt hại có thể xảy ra do lệnh trừng phạt Nga của các nước phương Tây tiến hành.

Cuộc xung đột Nga-Ukraine về cơ bản đã làm thay đổi cấu trúc thị trường năng lượng toàn cầu, bao gồm dầu, khí đốt và than nhiệt. Việc Nga tiếp tục thắt chặt nguồn cung năng lượng dành cho châu Âu, cùng với sự thiếu hụt khí đốt tự nhiên vốn đã tồn tại ở khu vực này, trong khi OPEC không có khả năng tăng mạnh sản lượng khai thác, sẽ khiến nguồn cung bị thắt chặt hơn, giá dầu và khí đốt tăng đáng kể. Chỉ số giá bình quân của các nhóm hàng năng lượng đã tăng 52,4% so với cuối năm ngoái.

Giá các mặt hàng năng lượng đã bắt đầu có xu hướng giảm, nhưng đó là sau khi được đẩy lên mức quá cao khiến nhu cầu trong nền kinh tế suy giảm.

Bên cạnh đó, Trung Quốc-nền kinh tế vốn được đánh giá sẽ hưởng lợi từ khả năng mua được nguồn năng lượng của Nga với mức chiết khấu cao, lại đang gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Tác động từ đợt tăng giá hàng hóa rộng rãi vào đầu năm, bao gồm cả nguyên, nhiên liệu cho ngành sản xuất; lại thêm tác động do lũ lụt và hạn hán nghiêm trọng gần đây, khiến Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế yếu nhất trong nhiều thập kỷ.

Trong đó, giá quặng sắt vốn là thước đo mức độ hoạt động kinh tế của nền kinh tế số một châu Á, bất ngờ giảm mạnh trong ba tháng qua, bất chấp những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kích thích kinh tế thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng, cho thấy nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn đang hạ nhiệt. Đây không phải là điều tích cực đối với tăng trưởng toàn cầu.

Một tín hiệu khác cho thấy triển vọng kinh tế thế giới đang trở nên ảm đạm là đồng tiền giao dịch chủ chốt – USD đang mạnh lên. USD đã mạnh lên khoảng 10% kể từ đầu năm nay. Trong môi trường lạm phát và các điều kiện kinh tế thắt chặt, hoạt động xuất khẩu của các nền kinh tế sẽ gặp bất lợi do chi phí nhập khẩu và giao dịch tính bằng đồng USD tăng lên.

Vấn đề không chỉ của riêng Mỹ và châu Âu

Trước viễn cảnh suy thoái kinh tế thế giới, “tin buồn” là tình hình các nền kinh tế lớn nhất và có tầm ảnh hưởng nhất đều không tươi sáng.

Trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu của Ngân hàng TD Securities Richard Kelly cảnh báo, đối mặt với ba rủi ro suy thoái cùng lúc (bao gồm giá xăng tăng cao kết hợp lập trường chính sách “diều hâu” của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và hoạt động kinh tế chững lại), “khả năng nền kinh tế số một thế giới có thể rơi vào suy thoái trong 18 tháng tới, với xác suất hơn 50%. Cụ thể, Mỹ có thể rơi vào suy thoái kỹ thuật (hai quý tăng trưởng âm liên tiếp) ngay sau khi kết thúc quý II/2022.

Cùng đưa ra nhận định, đại diện Công ty đầu tư Muzinich cho rằng, vấn đề đối với cuộc suy thoái sắp tới của kinh tế Mỹ không phải “có thể xảy ra hay không, mà là khi nào”.

Tuy nhiên, với một quan điểm khác, chiến lược gia David Roche, Chủ tịch Hãng tư vấn Independent Strategy lại cho rằng, suy thoái có thể tước mất 2-3% việc làm tại bất kỳ nền kinh tế nào. Như vậy, kinh tế Mỹ hẳn chưa suy thoái vì dữ liệu vừa công bố cho thấy, nước này đã tạo thêm 372.000 việc làm trong tháng Sáu-vượt xa con số dự kiến là 250.000.

Nhưng với châu Âu, chiến lược gia Roche khẳng định về một “cuộc suy thoái được khơi mào từ xung đột tại Ukraine”. Xung đột quân sự và trừng phạt kinh tế đang cuốn châu Âu vào cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực. Châu Âu được dự báo chỉ tăng trưởng trong khoảng 2,5%-2,6% và tiếp tục “bế tắc” do sự khan hiếm hàng hóa nhập khẩu từ Nga.

Suy thoái là cơ hội?

Đối với một số người lạc quan, thông tin giá cả hàng hóa tăng vọt không chỉ là tin xấu. Theo chuyên gia Stephen Bartholomeusz, với dấu hiệu lạm phát liên tục leo thang, các ngân hàng trung ương sẽ có động cơ để tăng lãi suất, là tin tốt.

Tin xấu là nguy cơ về suy thoái toàn cầu, gây hiệu ứng suy giảm hoạt động sản xuất và nhu cầu của người tiêu dùng. Dù vậy, việc này mang đến tia hy vọng rằng các ngân hàng trung ương sẽ không cần tiếp tục đẩy lãi suất lên quá cao nhằm cân bằng các giải pháp để các nền kinh tế không rơi tình trạng suy thoái quá trầm trọng.

Nguồn: FireAnt

Có thể bạn quan tâm

Tin Khác