Vĩ mô

Giải bài toán đội vốn đầu tư công

vốn đầu tư công

Tập trung mọi nguồn lực hoàn thành các dự án đầu tư công trong thời gian sớm nhất có thể, mới đảm bảo tính hiệu quả từ dự án, tránh câu chuyện đội vốn, phá đi làm lại trong quá trình thi công.

 

Đội vốn vì chậm tiến độ

Theo tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các Bộ, ngành, địa phương, hiện nay có hàng nghìn dự án đầu tư công giai đoạn 2016-2021 chậm tiến độ. Trong đó có nhiều dự án quan trọng, dự án trọng điểm quốc gia cũng đều bị chậm.

Trên thực tế, các công trình xây dựng cơ bản mang tính trọng điểm quốc gia đều là những công trình lớn, đòi hỏi thời gian xây dựng tương đối dài, nguồn vốn lớn và gắn liền với đất. Đồng thời, những công trình lớn này có yếu tố kĩ thuật xây dựng phức tạp, nên quá trình triển khai dự án còn chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi các nhân tố khác từ tự nhiên, hay khâu chuẩn bị vốn, phối kết hợp giữa các bộ phận; để từ đó đảm bảo tiến độ thi công của từng công đoạn. Chính vì vậy, một công đoạn nào đó bị chậm lại, thì các công đoạn sau cũng sẽ chậm theo.

Riêng những công trình giao thông vận tải đi qua nhiều địa phương, thì còn chịu tác động của các cơ chế chính sách từng địa phương đó và sự quyết tâm của các lãnh đạo trong quá trình thực hiện dự án. Đây là những nguyên nhân khiến hầu hết các dự án hiện nay đang có tốc độ tương đối chậm, không chỉ những công trình trọng điểm quốc gia mà còn nhiều công trình không phải trọng điểm khác.

Việc chậm các dự án đầu tư công cho thấy tác hại rõ rệt là tính hiệu quả của các công trình giảm sút nghiêm trọng. Ví dụ khi chúng ta cung cấp một hàng hóa dịch vụ nào đó ra thị trường, thì phải tính toán thời điểm, cơ hội từ sản phẩm dịch vụ đó thu về lợi ích như thế nào. Nếu chậm một, hai năm thì hàng hóa đó đã có người khác cung cấp và thị trường cũng phát sinh đòi hỏi khác. Như vậy để thấy, các dự án chậm hàng chục năm thì hiệu quả gần như đã không còn.

Thêm vào đó, với việc chậm tiến độ thì các dự án sẽ đội vốn do tác động của tự nhiên, mưa gió làm hư hỏng công trình, làm tăng giá thi công sữa chữa, bù đắp,… trong bối cảnh giá trị tiền bị mất giá theo thời gian. Một dự án chậm khoảng 3-4 năm gần như đã bị đội giá lên gấp đôi, chậm hàng chục năm, chi phí này còn lớn hơn nhiều, chưa tính đến hiệu ứng dây chuyền ảnh hưởng xấu đến những dự án xung quanh. Hậu qủa là không chỉ nền kinh tế bị ảnh hưởng mà lòng tin của người dân vào các dự án đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước cũng sụt giảm một cách đáng kể.

Tập trung nguồn lực tháo gỡ khó khăn

Xét về nguyên nhân của việc chậm tiến độ, có thể bắt nguồn từ cả con người và cơ chế, nhưng chủ yếu là do con người mang tính quyết định nhiều hơn.

vốn đầu tư công
PGS.TS. Đinh Trọng Thinh

Thứ nhất, khi tiến hành những dự án đầu tư nói chung thì phải có quá trình chuẩn bị hồ sơ sơ bộ, cho đến hồ sơ tiền khả thi và hồ sơ khả thi. Nếu quá trình lập dự án không chuẩn xác, không dựa trên các cơ sở khoa học và tính toán đầy đủ, thì các dự án đó triển khai trên thực địa sẽ gặp rất nhiều lúng túng, khó khăn, sai khác dẫn đến việc bị chậm lại.

Thứ hai, khi chúng ta tiến hành thẩm định dự án, ở các cấp có thẩm quyền thường nghĩ rằng, chỉ cần có dự án thì địa phương sẽ có nguồn vốn, sẽ tăng trưởng GDP và có công ăn việc làm, như vậy là tốt rồi. Nhưng lại không tính đến hiệu quả dự án ra sao mà cứ thẩm định cho xong, đến khi bắt tay vào xây dựng mới thấy dự án không được chuẩn bị đầy đủ, không có hiệu quả cao, khả năng triển khai và hoàn thành rất kém.

Thứ ba, việc kiểm tra giám sát cũng không chủ động, linh hoạt để đốc thúc các nhà thầu đẩy mạnh tiến độ thi công sớm hoàn thành dự án. Nhất là có những thay đổi giữa tính toán và thực địa bị chênh nhau, khi đó phải tập trung giải quyết. Đơn cử như thiếu nguyên, vật liệu phải cung cấp thế nào hay cần thêm nguồn lao động phải xử lý ra sao…

Về cơ chế, khi thực hiện điều chỉnh một dự án còn mất thời gian tương đối lâu, từ cấp này tới cấp khác để phê duyệt khoảng 3-5 tháng. Nếu rơi vào trường hợp là nguồn vốn ODA, công đoạn chuẩn bị không tốt thì khi vào thi công, chỉnh sửa sẽ lại phải thông qua người cấp vốn ở nước ngoài với thời gian kéo dài hơn, từ 6-9 tháng, thậm chí mất một năm mới giải quyết được vấn đề.

Ngoài ra trước đây, chúng ta quy định chưa thực sự rõ ràng quá trình thanh toán, thời gian thanh toán cụ thể, các yêu cầu về chứng từ, thủ tục cũng như những yêu cầu khác, điều này dẫn đến việc cơ chế gây khó khăn hoạt động thanh toán.

Từ những vấn đề nêu trên, các cơ quan quản lý cần đúc rút kinh nghiệm, đưa ra giải pháp phù hợp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công. Bắt đầu từ khâu chuẩn bị dự án phải làm kỹ lưỡng, dựa trên cơ sở, căn cứ khoa học để tính toán nhu cầu đầu ra đầu vào; yếu tố về mặt vật chất kĩ thuật để thực thi dự án đó. Đặc biệt trong thời gian gần đây, khâu giải phóng mặt bằng cũng như các khâu chuẩn bị về nguyên nhiên vật liệu, máy móc, thiết bị cho thi công cũng là câu chuyện cần phải thay đổi.

Một ví dụ điển hình là trong thời gian vừa qua, chúng ta triển khai dự án cao tốc phía Đông, nhưng nguyên vật liệu đất đá để đổ nền cũng thiếu, trong khi đây là việc nằm trong tầm tay lại không thể xử lý kịp thời. Chưa nói đến trách nhiệm tinh thần của các chủ dự án đầu tư, những người trực tiếp điều hành và đốc thúc các đơn vị thầu phải làm nhanh hơn, tốt hơn.

Về phía những người đứng đầu các Bộ, ngành địa phương, cần có tinh thần trách nhiệm cao hơn trong khâu chuẩn bị dự án. Nhất là cơ quan xét duyệt tổng thể là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phải cân đối giữa nhu cầu về vốn, khả năng lựa chọn những dự án nào là thực sự cần thiết sẽ tập trung mọi nguồn lực để trong thời gian ngắn có thể hoàn thành đúng tiến độ, thì hiệu quả dự án sẽ phát huy tốt nhất, sau đó có thể chuyển sang dự án khác. Làm được như vậy, hiệu quả từ các dự án đầu tư công mới cao hơn, đỡ câu chuyện đội vốn hay phá đi làm lại trong quá trình thi công.

Theo FireAnt

Có thể bạn quan tâm

Tin Khác